Âm nhạc là một bộ môn nghệ thuật kỳ diệu vì âm nhạc có khả năng kết nối tâm hồn giữa người với người trên phạm vi toàn thế giới bất chấp màu da hay ngôn ngữ. Xuất phát từ mong muốn mang đến cơ hội kết nối, trao đổi văn hoá giữa Việt Nam và Vương Quốc Anh, Dự án “Bài ca ngày mới” đã triển khai nhằm giúp các bạn nhỏ ở cả hai đất nước được giao tiếp với nhau thông qua âm nhạc dù đang ở cách xa nhau hơn 6000 dặm.Dự án này được dẫn dắt bởi hai nghệ sĩ đồng thời là nhà giáo dục âm nhạc: Caroline Sharp (Vương quốc Anh) và Trang Trịnh (Việt Nam). Tại Hà Nội, cô Trang Trịnh và các thầy cô của Học viện Âm nhạc trẻ Việt Nam (Vietnam Youth Music Institute - VYMI) kết hợp với trường Tiểu học Tràng An hướng dẫn các bạn học sinh sáng tác ca khúc có chủ đề về buổi sáng để đáp lại tác phẩm Bài ca ngày mới của nhà soạn nhạc người Anh Edward Elgar.
Tại trường Tiểu học Tràng An, dự án được diễn ra trong 2 ngày 11/01 và 12/01/2022. Chiều ngày 11/01, 30 bạn học sinh được tuyển chọn về năng khiếu âm nhạc ở khối 2 đã có buổi học tập và làm việc đầu tiên với dự án “Bài ca ngày mới”. Lấy cảm hứng từ tác phẩm “Chanson de Matin” (tiếng Việt: Bài ca ngày mới) của nhà soạn nhạc người Anh Edward Elgar, các bạn học sinh sẽ được tiếp xúc và làm quen với việc cảm thụ/viết nhạc từ khi còn nhỏ. Đây là trải nghiệm mới mẻ và rất cần thiết trong thời kỳ hội nhập cũng như đối với sự phát triển toàn diện của các bạn học sinh.
Ở đầu buổi một, với phần giới thiệu bản thân cũng như các nhạc cụ hết sức sinh động (Piano, Đàn Cello, kèn Trompette, kèn Fagotto) các giảng viên từ Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam đã làm bạn nhỏ rất phấn khích và tỏ ra rất thích thú ngay từ những giây phút đầu tiên của buổi học.
Sau phần làm quen đầy ấn tượng, các giảng viên đã cho các bạn nhỏ nghe bài hát chủ đề của dự án: “Chanson de Matin” Tiếng Việt: “Bài ca ngày mới” cùng với sự nhấn mạnh về âm sắc của 2 nhạc cụ: Vĩ cầm (Violin) và Dương Cầm (Piano).
Ngoài ra, để tăng sự hào hứng cho buổi học cũng như rèn luyện sự nhạy cảm với tiết tấu của các bạn học sinh, các giảng viên đã tổ chức một trò chơi vận động “Mắt-mũi-mồm” kết hợp thể hiện tiết tấu. Qua trò chơi này có thể thấy sự tài tình trong dẫn dắt tiến trình bài học của các giảng viên cũng như khả năng tiếp nhận kiến thức mới rất nhanh của các bạn học sinh.
Về phần nội dung bài học, trước khi phổ biến cách thức viết bài hát cho riêng mình, các giảng viên đã rất khéo léo lồng ghép kiến thức về các thuộc tính cơ bản của âm thanh có tính nhạc cho các bạn học sinh. “Cao độ”, “Cường độ” trong âm nhạc tưởng chừng là những khái niệm rất mơ hồ và trừu tượng nay đã được các giảng viên đơn giản hóa và cô đọng lại bằng những câu hát ngắn rất dễ hiểu, dễ thuộc.
Sang đến phần viết nhạc, ở buổi một các bạn học sinh được định hướng và làm quen với việc lấy chất liệu sáng tác từ những chủ đề thân thuộc nhất trong đời sống như cảnh vật thiên nhiên, những việc các em thường làm hay kể cả là những cảm xúc rất hồn nhiên của các bạn nhỏ trong buổi sáng thường ngày. Cách thức tổ chức cũng rất hợp lý khi chủ động chia nhỏ các bạn học sinh thành nhiều nhóm nhằm khai thác tối đa sự tương tác giữa mỗi bạn học sinh và giảng viên.
Kết thúc phần chia nhóm, giảng viên phụ trách các nhóm thực hiện thống kê các ý tưởng của các bạn học sinh. Có thể thấy khả năng sáng tạo chất liệu phong phú của các bạn nhỏ trước đề tài sáng tác cũng như sự khai thác khéo léo, tài tình của các giảng viên. Cuối buổi, sau khi cân nhắc và thảo luận cùng các bạn học sinh. Cả lớp học đã thống nhất và giảng viên đã chốt lại phần lời ca của bài hát như sau:
Cùng với lời dặn dò về nhà nghe lại bản nhạc “Chanson de Matin” Tiếng Việt: “Bài ca ngày mới”, buổi học đầu tiên đã khép lại thành công tốt đẹp với niềm hân hoan của các bạn nhỏ khi bước đầu thấy được thành quả ca khúc của mình.
Bắt đầu buổi học thứ 2 là lời chào của các bạn trường Tiểu học Tràng An gửi tới các bạn nhỏ ở Macduff (Scotland) và London (Vương quốc Anh). Ở buổi học này, các bạn học sinh sẽ cùng các giảng viên thực hiện hoàn thành nốt những thành tố còn lại của bài hát như tiết tấu, giai điệu, nhịp độ cũng như tính chất âm nhạc.
Với sự hấp dẫn từ buổi 1 các bạn học sinh vô cùng háo hức, mong chờ được đến với buổi học thứ 2 này. Cô Trang nhắc lại với các bạn những thuộc tính cơ bản của âm thanh là cao độ và cường độ đã được giới thiệu từ buổi trước. Từ những yếu tố này sẽ giúp chúng ta có thể sáng tác nên những giai điệu của âm nhạc.
Phần khởi động đã làm các bạn học sinh cực kì thích thú với các trò chơi: Hát và thể hiện cao độ, cường độ qua hướng các ngón tay, Hoàn thành câu vào ô chat và chiếc bút ma thuật.
“Hát và thể hiện cao độ, cường độ theo hướng các ngón tay” các bạn học sinh được trải nghiệm trò chơi lái máy bay. Điều thú vị nhất là nhiều bạn đã được làm phi công điều khiển hướng ngón tay và các chuỗi âm thanh."
“Hoàn thành câu vào ô chat” là 3 câu hỏi để gợi nhớ lại những dữ kiện liên quan đến dự án âm nhạc Bài ca ngày mới mà các bạn học sinh sẽ giao lưu với nhau."
“Chiếc bút ma thuật” Các bạn học sinh được lắng nghe giai điệu bài hát “Trời nắng, trời mưa” và tập phân biệt các chuỗi âm thanh đi ngang, đi lên hay đi xuống. Các bạn học sinh được chia vào các phòng riêng, mỗi phòng sẽ có 5 bạn để tương tác tốt nhất được với các thầy cô. Mỗi phòng các thầy cô giúp các bạn tìm hiểu, khám phá ra tuyến giai điệu của các câu hát."
Sau phần thảo luận nhóm các bạn được nghe lại bài hát Bài ca ngày mới qua phần thể hiện Cello của cô Lyly. Các bạn đã cảm nhận được tác giả Elgar cũng sáng tác bài hát với các chuỗi âm thanh đi lên, đi xuống và đi ngang. Từ đó các bạn đã có ý tưởng cho tác phẩm đầu tay của mình.
Các thầy cô và các bạn cùng nhau đọc lại phần lời ca, nhiều bạn đã nêu cảm nhận như “con thấy bài hát thật nhịp nhàng, uyển chuyển”, “Bài hát như một bài thơ thầy ạ”… và nhiều bạn đã có những ý tưởng về tuyến giai điệu cho các câu hát.
Rất nhiều ý tưởng được đưa ra, các thầy cô đã đồng hành và giúp các bạn lựa chọn các ý tưởng phù hợp. Có nhiều bạn còn sáng tạo hơn nữa như “câu hát này to hơn”, “câu hát này mạnh hơn”, “thêm kịch tính ở câu này” … Dựa vào ý tưởng của các bạn, các thầy cô đã cùng nhau hòa tấu giai điệu bài hát. Các bạn học sinh cực kì thích thú với bài hát do chính mình tham gia sáng tác.
Kết thúc hai buổi học, với sự tận tâm của các giảng viên và sự hào hứng, nhanh nhạy của các bạn học sinh, bài hát về chủ đề “Buổi sáng” đã được hoàn thiện. Về nhà, các bạn học sinh sẽ được gửi bản phối từ giảng viên và hướng dẫn chi tiết cách thu âm để tạo nên sản phẩm hoàn chỉnh. Bài hát sẽ được trao đổi với các bạn học sinh tại các trường tiểu học ở London, Scotland. Qua trải nghiệm đáng giá này, chắc chắn các bạn học sinh trường Tiểu học Tràng An đã có những cảm quan đầu tiên về sáng tạo âm nhạc và quan trọng hơn nữa là giao lưu và hội nhập quốc tế, bước đầu hướng các em trở thành những công dân toàn cầu.
Bình luận