top of page

nhandan.vn: "Kết nối và giáo dục cộng đồng nên được coi là vai trò của nghệ sĩ"

Trở về Việt Nam sau một chặng đường dài du học ở nước ngoài, nghệ sĩ cello Phan Đỗ Phúc đã thực hiện nhiều dự án với mong muốn mang âm nhạc cổ điển, đặc biệt là cây đàn cello, đến gần hơn với công chúng. Mới đây, anh đảm nhiệm vai trò mới-nhạc trưởng Dàn nhạc Giao hưởng trẻ Việt Nam.


Mong ước kiến tạo một gia đình âm nhạc hồn hậu, ấm áp

- Chúc mừng nhạc trưởng của Dàn nhạc Giao hưởng trẻ Việt Nam, một dàn nhạc không chuyên quy tụ nhiều nghệ sĩ nổi tiếng, nhiều tâm huyết vừa mới được thành lập. Vì sao có sự ra đời của Dàn nhạc trong bối cảnh khó khăn hiện nay?

- Vietnam Youth Orchestra (VYO) là một ý tưởng được khởi xướng từ Vietnam Youth Music Institute (VYMI), ấp ủ sứ mệnh truyền cảm hứng cho người trẻ xây dựng mối quan hệ lâu dài với âm nhạc, đặc biệt là âm nhạc cổ điển. Thông qua việc tổ chức những buổi tập luyện, chương trình biểu diễn và các trải nghiệm giáo dục theo một lộ trình cụ thể, VYO sẽ hiện thực hóa sứ mệnh này với mong ước kiến tạo một gia đình âm nhạc hồn hậu, ấm áp, một chốn ươm dưỡng cho tâm hồn, và sẽ luôn được nhớ đến để trở về. Thật may mắn vì ý tưởng này nhận được sự ủng hộ và đồng hành của Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam (VNSO), vì bản thân VNSO cũng muốn ủng hộ các hoạt động giúp xây dựng một lứa khán giả mới cho âm nhạc cổ điển. Mình thật sự rất vui vì được trở thành một phần của việc biến ý tưởng này thành hiện thực.

- Vì sao lại là một dàn nhạc trẻ dành cho lứa tuổi 12-22, bởi thực tế ở Việt Nam, nhiều trẻ em chưa được học nhạc và tiếp cận với âm nhạc cổ điển một cách bài bản?

- Tôi nhớ lần đầu được ngồi dàn nhạc, hồi đó mới có 13-14 tuổi, học cello được 2-3 năm; các thầy cô thấy là đã đủ "cứng" để ngồi và không "phá" dàn nhạc… Rồi thì sau này cứng cáp hơn một chút, được tham gia các festival dàn nhạc mùa hè, được tập luyện, đi đây đi đó trong một, hai tháng trời; cũng vui lắm, nhưng cũng chỉ gói gọn trong các tháng hè. Sau này, tôi có một khoảng thời gian khá dài sinh sống ở bên Mỹ, mới để ý thấy họ có dàn nhạc ở khắp mọi nơi. Các trường văn hóa, từ tiểu học lên trung học phổ thông, rồi đại học; trường nào cũng có không chỉ dàn nhạc, mà còn nào là hợp xướng, dàn kèn đồng, đội duyệt binh của riêng mình. Nhìn những đứa trẻ 12-13 tuổi đua nhau xúng xính ăn diện để đi diễn mà tủm tỉm cười; cười xong lại thấy tủi tủi cho tụi trẻ con Việt Nam. Cơ hội tham gia vào những dàn nhạc hầu như là không có; trừ khi là theo học chuyên nghiệp tại nhạc viện đủ lâu, đủ cứng cáp để tham gia các chương trình hòa nhạc của trường. Vậy nên tôi vẫn ước mơ một ngày những đứa trẻ Việt Nam sẽ có những dàn nhạc, mỗi quận sẽ có vài ba cái hợp xướng, vài ba đội kèn đồng; thỉnh thoảng dừng xe đèn đỏ lại thấy những âm thanh của những buổi tập luyện hăng say của các bạn trẻ. Sự ra đời của dàn nhạc trẻ Việt Nam - Vietnam Youth Orchestra (VYO) đã đánh dấu bước khởi đầu cho hành trình hiện thực hóa ước mơ đó. Một dàn nhạc cho tất cả các bạn trẻ, từ 12-22 tuổi, không cần phải đang theo học bất cứ trường lớp nào, chỉ cần có niềm say mê với âm nhạc cổ điển. Khi mới bắt đầu tuyển sinh thì mọi người cũng khá hồi hộp, không rõ ý tưởng sẽ được đón nhận ra sao. Nhưng đến thời điểm hiện tại, chúng tôi rất vui vì sự đón nhận rất nhiệt tình từ các phụ huynh học sinh, VYO đã nhận được rất nhiều đơn ứng tuyển. Cả team thật sự phấn khởi lắm, và rất mong ngóng sẽ được nghe các bạn chơi trực tiếp tại vòng hai, diễn ra sau Tết Nguyên đán.

- Dàn nhạc trẻ Việt Nam được kỳ vọng là một làn gió mới cho đời sống âm nhạc cổ điển ở Việt Nam. Còn với anh, nó có ý nghĩa gì?

- Như mọi người đã biết thì mình cũng như các đồng nghiệp ở dự án Schubert in a Mug (SiaM) lựa chọn hướng hòa tấu thính phòng và xây dựng nội dung các buổi diễn trong các không gian nhỏ, ấm cúng, nhằm tạo dựng được sự kết nối có chiều sâu hơn với khán giả. Tuy nhiên, trở ngại đối với SiaM chính là bài toán mở rộng, để đi sâu, một cách thân mật thì rất khó để mở rộng hơn, mà không ảnh hưởng tới chất lượng. Việc tham gia dự án VYO thật sự mang rất nhiều ý nghĩa, và giúp tôi giải được nhiều bài toán vẫn đau đáu bấy lâu, đó là tiếp cận được đối tượng các bạn nhỏ, đồng thời lại ở một quy mô lớn hơn. Giáo dục cộng đồng, theo tôi nghĩ, thật sự có sức mạnh và tầm lan tỏa lớn nhất khi nó được thực hiện cho đối tượng trẻ, học sinh, sinh viên. Đây là thời điểm mà thế giới quan đang mở và đang được định hình, vậy nên nếu các bạn được tiếp xúc sớm với nghệ thuật, với những giá trị tốt đẹp nhất, thì có lẽ chúng ta sẽ không cần phải lo nghĩ nhiều nữa tới thế hệ tương lai.


Các buổi hòa tấu thính phòng của Dự án Schubert in a Mug (SiaM) đã tạo dựng được sự kết nối có chiều sâu với nhiều khán giả.

"Kim chỉ nam" cho tâm hồn


- Hai năm trở về nước, anh dành thời gian và tâm huyết để đưa âm nhạc cổ điển đến gần hơn với công chúng, góp phần thay đổi quan niệm, nhạc cổ điển không chỉ xuất hiện ở những sân khấu lộng lẫy mà rất gần gụi. Đến bây giờ, anh thấy mình đã đi đến đâu trong hành trình đó?


- Hai năm là một khoảng thời gian không ngắn, nhưng có lẽ cũng chưa đủ dài để bản thân mình có thể nhìn nhận một cách đầy đủ và khách quan những thành quả của chặng đường vừa rồi. Chỉ biết là mình cảm thấy rất vui đã làm quen được với những khán giả thường xuyên lui tới các số của Schubert in a Mug (SiaM), và giờ một vài người đã trở thành bạn của nhóm. Đôi khi chỉ nghĩ tới một vài con người mà SiaM đã có duyên làm thân, và đã cho họ một giá trị tốt đẹp nào đó, là mình và cả team đã đủ sự hứng khởi để bước tiếp. Hy vọng SiaM sẽ tiếp tục được bén duyên với những người bạn mới nữa trên chặng đường sắp tới.


- Có vẻ như anh đang đi xa hơn vai trò của một nghệ sĩ biểu diễn mà hướng tới những dự án cho cộng đồng?


- Theo quan điểm cá nhân của tôi, việc kết nối và giáo dục cộng đồng nên được coi là vai trò của một nghệ sĩ thế kỷ 21. Những "nghệ sĩ", ở đây hiểu là những người mà công việc của họ liên quan tới nghệ thuật, là những người vô cùng may mắn, vì họ được hằng ngày làm việc với "kiến trúc thượng tầng" của xã hội; những giá trị tốt đẹp nhất, sâu sắc nhất, mà con người hướng tới, sau khi những nhu cầu thiết yếu, hay "cơ sở hạ tầng" đã đầy đủ. Vậy nên, phần nào họ có nghĩa vụ giúp hướng xã hội tới chân, thiện, mỹ. Tôi nghĩ, điều này gắn liền với việc kết nối với nhiều đối tượng, tầng lớp, ngành nghề trong xã hội. Những dự án cộng đồng được sinh ra là vì vậy.

Ngoài ra, tôi vẫn duy trì các hoạt động biểu diễn thường xuyên, và có lẽ là lịch diễn còn dày hơn trước. Tôi luôn cố gắng kết hợp đan xen việc biểu diễn với dự án cộng đồng, coi như một công đôi việc. Vì nếu bản thân mình không liên tục trau dồi tay nghề, không liên tục "làm" nghệ thuật, thì dần dà mình sẽ bị mất đi cái "kim chỉ nam", giúp hướng bản thân tới những giá trị mà các dự án cộng đồng cũng đang hướng tới.


- Cảm ơn cuộc trò chuyện của anh!


3 lượt xem0 bình luận

Comments


bottom of page